Bao giờ xóa được chênh lệch lương thưởng giữa nam và nữ?

Trên thị trường lao động vẫn đang tồn tại một vết nứt khổng lồ: Nữ giới vẫn bị trả lương ít hơn nam giới trung bình từ 11,6 tới 22,3% - theo báo cáo mới nhất của Glassdoor năm 2018. Oái ăm thay nhiều nghiên cứu khác lại chỉ ra rằng nữ giới nhìn chung có kết quả học tập xuất sắc hơn nam giới. Vậy vì sao nghịch lý này xảy ra và bao giờ khoảng cách lương thưởng giữa hai giới mới hết cách biệt?

 

Chúng ta đang sống trong một thế giới ngập tràn những tư tưởng phân biệt giới tính. Từ khi sinh ra, bé gái thường được mặc định sẽ để tóc dài và mặc đầm hồng, còn bé trai sẽ cắt tóc ngắn và khoác lên mình những bộ cánh màu xanh. Đến khi trưởng thành, sự phân biệt ấy càng thể hiện rõ trong trang phục, thức ăn, cho tới cách ứng xử và nói năng hằng ngày.

 

Từ sự phân định này, những so sánh và nghịch lý trên thị trường lao động bắt đầu xuất hiện. Theo nghiên cứu của trường đại học New South Wales xuất bản trên tạp chí Nature Communications năm 2018, nhìn chung học sinh nữ có điểm số cao hơn học sinh nam 6,3%. Thế nhưng theo báo cáo mới nhất của Glassdoor, trong năm 2018, nữ giới bị trả lương ít hơn nam giới trung bình từ 11,6 tới 22,3%.

 

Chênh lệch thu nhập giữa nam và nữ cũng là thực trạng chung Việt Nam đang phải đối mặt. Mức bình đẳng trong lương thưởng của nam giới so với nữ giới tại Việt Nam xếp hạng 71 toàn thế giới, theo báo cáo khoảng cách giới tính toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2018. Song song với đó, số lượng nữ lãnh đạo cấp cao trong các công ty, tổ chức chính phủ Việt Nam chỉ xếp thứ 94 toàn cầu. Điều này chứng tỏ thị trường lao động Việt vẫn có xu hướng ưa chuộng chọn nam giới để bổ nhiệm vào các vị trí cấp cao, nơi có mức lương thưởng tốt hơn. 

 

Ngay từ quá trình tuyển dụng, nữ giới cũng đã gặp phải những rào cản định kiến về giới tính. Theo báo cáo "Vai trò của nữ giới trong sự phát triển bền vững của doanh nghiệp" do Navigos Group thực hiện, 19% nữ giới cho hay họ bị từ chối tuyển dụng chỉ vì là nữ. Trong khi đó 39% nam giới lại nói rằng họ được nhận vào công ty mới nhờ là nam.

 

Tại Women Summit tháng 10.2018 do Forbes Việt Nam tổ chức, bà Trần Thị Thanh Định, phó chủ tịch của Ericsson Việt Nam cũng xác nhận bản thân mình cũng từng bị phân biệt như vậy và đã mạnh dạn vượt qua rào cản này.

 

Vì sao nữ giới nổi trội hơn ở trường học nhưng khi đi làm lại có lương thấp hơn?

 

Nguyên nhân lớn nhất giải thích cho khoản chênh lệch nói trên nằm ở mức lương của ngành nghề thế mạnh của hai giới tính. Những lĩnh vực nơi nam giới chiếm ưu thế, chẳng hạn như công nghệ, kinh doanh, chính trị, thể thao thường có mức lương cao hơn nhiều so với giáo dục, y tế, hành chính... - các ngành nghề thế mạnh của nữ giới.


Nguồn: First Alliances.

 

Yếu tố thứ hai lý giải nghịch lý nữ giới có điểm cao hơn nhưng lương lại thấp hơn chính là thâm niên và kinh nghiệm. Độ tuổi trung bình khi sinh con đầu lòng của nữ giới Việt Nam là 28. Nếu làm một phép so sánh đơn giản giữa một lao động nam và một lao động nữ đều ở độ tuổi 30, cùng trình độ học thức, làm cùng ngành nghề thì khả năng cao là thâm niên làm việc của người nam cao hơn, bởi người này không phải trải qua thời kỳ nghỉ thai sản, làm đứt quãng thời gian làm việc. Đây là yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả xét duyệt và đánh giá nhân sự định kỳ trong các doanh nghiệp.

 

Tương lai nào cho bình đẳng lương thưởng?

 

Tin tốt là khoảng cách lương thưởng giữa hai giới tính đang dần được thu hẹp. Theo Glassdoor, chỉ riêng tại Mỹ, khe hở trong lương thưởng của nam và nữ giới giảm từ con số 6,5% năm 2011 xuống còn 4,6% năm 2018. Tuy vậy nếu tốc độ thu hẹp vẫn giữ nguyên trong tương lai, phải mất thêm 50 năm nữa khoảng cách lương thưởng theo giới tính mới có thể được san lấp hoàn toàn.

 

Nguyên nhân giúp khoảng cách dần được thu hẹp gần đây là nhờ sự xuất hiện của phong trào Me Too đấu tranh vì các nạn nhân bị xâm hại tình dục. Nhờ vậy ý thức của cộng đồng về vấn đề bình đẳng giới cũng được nâng cao hơn.

 

Lý do thứ hai sâu xa hơn là những thay đổi trong ý thức của thế hệ mới. Thế hệ Millennials (những người trẻ sinh từ năm 1980 tới 2000) có quan niệm rất khác về hôn nhân so với các thế hệ trước. Họ được mệnh danh là thế hệ “lười” kết hôn và “lười” sinh con vì nhiều lý do khác nhau, nhưng chủ yếu vẫn là việc kết hôn và sinh con ngày càng trở nên tốn kém, trong khi bản nhân những Millennials lại mong muốn đem lại điều kiện phát triển tốt nhất cho con cái của chính mình.

 

Vì vậy độ tuổi kết hôn và tỉ lệ kết hôn của những người trẻ Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung đang ngày một cao hơn. Một khi phụ nữ không còn bị ràng buộc phải sinh con trong độ tuổi nhất định, thời gian làm việc bị đứt quãng do nghỉ thai sản không còn ảnh hưởng quá nhiều tới sự nghiệp của họ như trước.

 

Khoảng thời gian 50 năm để san bằng khoảng cách giới tính trong lương thưởng có thể được rút ngắn nhờ một nhân tố có thể kiểm soát, đó là sự minh bạch trong thông tin về lương thưởng. Một khi những bạn trẻ còn học trên ghế nhà trường tiếp cận được thông tin này, sự lựa chọn nghề nghiệp của họ sẽ đổi khác và tỉ lệ nam nữ tại nhiều ngành nghề sẽ có những thay đổi nhất định.

 

Để làm được điều này, những tổ chức cá nhân có liên quan như các doanh nghiệp, trường học và những người chịu trách nhiệm hướng nghiệp cho các bạn trẻ cần phải có sự phối hợp đồng đều và hiệu quả để đem đến thông tin cập nhật cùng những định hướng nghề nghiệp phù hợp nhất cho từng cá nhân và góp phần san lấp khoảng cách trong lương thưởng giữa nam và nữ.



Nhìn lại dòng lịch sử của hai thế kỷ qua, có thể thấy một cuộc cách mạng về bình đẳng giới đã xảy ra mạnh mẽ. Nữ giới ngày nay không còn chỉ làm những công việc tề gia nội trợ mà còn tham gia vào lực lượng lao động để tạo ra những giá trị vật chất và xã hội không thua kém phái nam. Ngày càng nhiều nữ giới ghi tên mình vào tiến trình phát triển kinh tế và xã hội của nhân loại.

 

Như vậy càng không có lý do gì để ta từ bỏ niềm tin rằng vào trước năm 2070 – thời điểm Glassdoor dự đoán bình đẳng giới trong lương thưởng thành hiện thực, nữ giới toàn cầu sẽ cầm trên tay một hợp đồng lao động có giá trị ngang bằng so với những người đồng nghiệp nam, dù cho đó có là những lĩnh vực vốn khan hiếm những bóng hồng trong doanh nghiệp.  

 

(Theo Forbes)